Người thuê nhà tại úc có quyền lợi và nghĩa vụ gì?
Người ta ví von tìm được một chỗ ở thích hợp vừa túi tiền… là một 'môn thể thao' đầy tính cạnh tranh ở các thành phố lớn của Úc. Vậy nên trước khi bước vào sân thi đấu, tốt hơn nên học 'luật'.
Đối những người mới đến Úc, tìm được một chỗ ở thích hợp và hợp túi tiền là một phần then chốt trong tiến trình định cư.
Theo Sở Thống kê, 46 phần trăm những di dân mới đến khởi đầu ở chung nhà với bạn bè hay bà con, đều dọn ra thuê nhà của tư nhân trong vòng từ 3 đến 6 tháng.
Và trong khi luật lệ về thuê nhà có thay đổi đôi chút ở mỗi tiểu bang, thì các quyền hạn và trách nhiệm của người thuê nhà lại tương tự như nhau trên toàn quốc.
Kiểm tra, đọc kỹ, hiểu rõ trước khi đặt bút ký
Uỷ viên về Giao dịch Công bằng NSW (NSW Fair Trading), ông Rod Stowe cho hay khi bắt đầu thuê nhà, quý vị phải được đại lý nhà đất hay chủ nhà cung cấp một danh sách kiểm tra dành cho người mới thuê.
“Đó là một bản sao danh sách kiểm tra, một bản sao hợp đồng cho thuê hay bản sao thoả thuận thuê nhà, và hai bản sao phúc trình về tình trạng căn nhà. Đó là phúc trình ghi rõ tình trạng căn nhà khi quý vị dọn vào.
“Quý vị cũng sẽ được cung cấp một tờ khai về tiền đặt cọc (bond) để quý vị ký vào và gởi lên cho cơ quan Fair Trading, và dĩ nhiên là quý vị cũng được giao chìa khóa của căn nhà”, ông Stowe liệt kê những giấy tờ quan trọng ban đầu.
Trong vòng 2 tháng từ khi điền tờ khai đóng tiền bond, người mướn nhà sẽ nhận đưọc một số hiệu tiền bond mướn nhà từ cơ quan Fair Trading.
Nhưng trước khi ký vào hợp đồng mướn nhà và gởi tờ khai này đi, người mướn nhà cần phải kiểm tra một loạt thứ.
Rod Stowe cho hay một khi đã ký vào thì những văn bản này sẽ trở thành một tài liệu pháp lý có thể được thi hành.
“Quý vị cần phải đọc từ đầu đến cuối. Một trong những điều mà quý vị cần kiểm soát là, chẳng hạn như, thời gian cho mướn là bao lâu, 6 hay 12 tháng? Quý vị cần phải biết là phải trả tiền mướn như thế nào? Cách khoản bao lâu.
“Cũng cần đoan chắc là quý vị hiểu rõ nếu có những gì cần phải sửa chữa. Những sửa chữa phải được thực hiện trước khi quý vị dọn vào. Hoặc là, nếu như chủ nhà hay đại lý nhà đất hứa hẹn sẽ sửa chữa, thì chúng phải được thực hiện trước khi quý vị dọn vào.
“Nếu như chủ nhà hay đại lý nhà đất hứa hẹn sửa nhà, cần đặt bút viết xuống. Làm như thế quý vị sẽ biết rõ những gì hai bên đã thoả thuận.”
Khi dọn vào nhà, người mướn nhà có trách nhiệm phải điền vào một bản phúc trình về tình trạng căn nhà và gởi lại cho đại lý nhà đất hay chủ nhà trong vòng 7 ngày.
Một khi đã ký vào thì những văn bản này sẽ trở thành các tài liệu pháp lý
Quyền và nghĩa vụ đi đôi
Người mướn nhà cũng có một vài quyền hạn trong khi mướn nhà.
Theo Rod Stowe, người mướn nhà phải có quyền được sống trong nhà, mà không bị xáo trộn cho những sinh hoạt bình thường của họ.
“Quý vị có quyền đòi hỏi thực hiện việc sửa chữa căn nhà, tương tự như vậy, trong thời gian đó, quý vị có quyền đòi hỏi phải thực hiện thêm những sửa chữa khác nữa.
“Nhưng nếu quý vị muốn thay đổi gì nho nhỏ trong nhà, hay là muốn nuôi chó mèo chẳng hạn, thì phải xin phép.
“Người thuê nhà cũng có quyền hạn khi chủ nhà quyết định bán nhà, có quy định hạn chế về số lần mà khách hàng có thể vào xem nhà.
“Quý vị cũng có quyền được thông báo trước 60 ngày trước quyết định tăng giá tiền thuê nhà.”
Ở NSW, người mướn nhà có quyền tranh tụng bất cứ quyết định tăng tiền mướn nào, bằng cách tìm đến Toà Dân sự và Hành chánh NSW (NSW Civil and Administrative Tribunal).
Nhưng họ cần chứng minh được là khoản tiền mướn gia tăng là cao hơn so với một căn nhà tương tự trong khu vực họ đang sinh sống.
Hay nếu như chủ nhà cẩu thả trong việc bảo quản căn nhà.
Ngược lại, chủ nhà có thể yêu cầu người mướn nhà rời khỏi trong 14 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu như người mướn không trả tiền nhà.
Uỷ viên cơ quan Fair Trading NSW Rod Stowe cho hay người mướn nhà có thể tranh tụng nếu họ nghĩ đó là chuyện bất công.
“Quý vị cần phải đệ đơn lên toà án, toà sẽ xét định xem liệu quý vị có thể trả số tiền thuê nhàmà quý vị không thanh toán hay không.
“Thông thường nếu như quý vị có thể trả được số tiền còn thiếu, thì hợp đồng thuê nhà vẫn tiếp tục. Nhưng nếu quý vị thường xuyên trả tiền trễ hạn, thì có khả năng là toà án sẽ đồng ý chấm dứt hợp đồng thuê nhà của quý vị.
“Một lý do khác để chấm dứt có thể là vì chủ nhà muốn bán nhà. Và trong trường hợp đó thì họ phải thông báo ý định trước 90 ngày. Và rồi, nếu muốn thì quý vị vẫn có thể đưa vụ tranh tụng ra trước tòa.”
Vẫn theo ông Rod Stowe, điều quan trọng hơn cả là phải có giấy trắng mực đen khi làm việc với đại lý nhà đất hay chủ nhà.
“Vì lẽ nếu có một vụ tranh chấp vào một giai đoạn nào đó, thì sẽ dễ dàng hơn để giải quyết vấn đề. Hãy chắc chắn là mọi chuyện đều được viết xuống, dù đó là một email hay là một bức thư.
“Phải bảo đảm là quý vị trả tiền thuê nhà. Ngay cả khi có tranh chấp cũng phải tiếp tục trả tiền mướn nhà trong thời gian đó, và tìm cách giải quyết vấn đề theo cách khác.
“Cũng cần chắc chắn việc quý vị được chủ nhà cho phép thêm người lưu lại trong nhà, hay bất cứ điều gì mà quý vị muốn sửa chữa, thay đổi trong căn nhà.”
Trong vấn đề thuê nhà tư nhân, Hội đồng Người tị nạn Úc (Refugee Council of Australia) cho hay là di dân mới tới là thành phần rất dễ bị đối xử kỳ thị và bóc lột hơn cả.
Nhiều người mới tới cũng trải qua những khó khăn trong việc lấy lại tiền bond và thường e ngại việc thách thức những quyết định của chủ nhà ở toà án.
Người thuê nhà cần biết
Nhằm tăng cường nhận thức cho di dân mới tới về quyền hạn và trách nhiệm của người mướn nhà, kể cả các cộng đồng đang đông dần lên, cơ quan Fair Trading NSW đã soạn một tài liệu bằng video mang tên Renting a home: a tenant's guide to rights and responsibilities (Thuê nhà: hướng dẫn quyền hạn và trách nhiệm cho người thuê), bằng 17 ngôn ngữ, kể cả tiếng Dinka, Persian Farsi và Swahili.
Ông Rod Stowe cho rằng làm việc sát cánh với các tổ chức cộng đồng là điều rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền hạn của người mướn nhà.
“Chúng tôi đặc biệt nhìn nhận thật là điều rất đổi khó khăn cho những người mới tới, vì một trong những điều đầu tiên mà quý vị cần làm, là tìm được một nơi nào đó để sinh sống.
“Chúng tôi cũng nhìn nhận là ở quê hương cũ của họ, có thể không có những luật lệ và những đòi hỏi như thế, vì vậy chúng tôi rất lo lắng và muốn bảo đảm là chúng tôi có thể trợ giúp các cộng đồng đó hiểu rõ hơn các trách nhiệm và quyền hạn của họ.”
Ở NSW, Dịch vụ Cố vấn và Bênh vực Người Mướn nhà (Tenants Advice and Advocacy Services) cũng cung cấp thông ngôn viên và các lời khuyên độc lập về vấn đề thuê nhà.
Cơ quan này khuyên người mướn nhà phải:
- Giữ hồ sơ giấy tờ của những gì xảy ra giữa quý vị và chủ nhà hoặc người đại diện
- Giữ bản sao thỏa thuận thuê nhà, bản phúc trình về tình trạng căn nhà, biên lai trả tiền mướn nhà và tiền bond, thư từ, email và các văn bản
- Không bao giờ ký vào một mẫu hay bất cứ giấy tờ gì bỏ trống mà quý vị không hiểu rõ
- Nếu nhận được thông tư về một phiên xử của toà án, quý vị phải luôn tham dự, ngay cả khi chủ nhà nói là quý vị không cần phải đến đó
- Và ghi nhớ là nếu ngưng trả tiền mướn, quý vị có thể bị yêu cầu phải rời khỏi nhà
Các tài liệu và thêm nhiều tin tức về quyền hạn, trách nhiệm của người mướn nhà, hiện có sẵn ở mỗi tiểu bang và lãnh thổ, bằng nhiều ngôn ngữ.
Tại New South Wales: http://www.fairtrading.nsw.gov.au/
Tại Victoria: https://www.consumer.vic.gov.au/
Nguồn: SBS Vietnamese
Bài viết có thể bạn quan tâm
- Những điều cần biết khi thuê nhà tại Úc để tránh rắc rối.
- Bí kíp thuê nhà tại Úc không phải ai cũng biết?
- Thuê nhà ở Úc hay mua nhà để ở tốt hơn?
- Những lời khuyên hữu ích cho người mua nhà ở Úc lần đầu
- Thay đổi về luật xây dựng, nâng cấp nhà cửa tại bang Victoria
- Số lượng nhà cho thuê mới ở Australia tăng khi lãi suất giảm
- Người Việt đổ xô đầu tư bất động sản ở Úc
- Người Nước Ngoài Có Được Mua Nhà Ở Úc?